TRANG TIN ĐƠN VỊ
  Đang truy cập: 33  
 
1 5 6 7 9 9 7 6
 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về biến đổi khí hậu: Chủ động "tự cứu mình" khỏi mối nguy biến đổi khí hậu

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về biến đổi khí hậu: Chủ động "tự cứu mình" khỏi mối nguy biến đổi khí hậu 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu

- "Cần nhìn nhận BĐKH - nước biển dâng là vấn đề tồn vong của dân tộc, là nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển đất nước để có chiến lược ứng phó hiệu quả, thiết thực với tầm nhìn dài hạn đi cùng với những giải pháp cấp bách", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH nhấn mạnh trong cuộc họp Ban chỉ đạo sáng 16/2 tại Hà Nội.

Thủ tướng cho rằng, nhận thức này cần được quán triệt sâu rộng để mọi hành động của các Bộ, ngành, địa phương, mọi chương trình, kế hoạch đều phải tính đến yếu tố BĐKH.

 

* Chiến lược ứng phó quyết liệt, linh hoạt

Diễn biến quốc tế cho thấy, cuộc đấu tranh giảm phát thải không được thuận chiều như mong đợi và nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng trên 2 độ C rất có thể sẽ xảy ra. Nếu nhiệt độ tăng 2,5-3 độ C thì mực nước biển sẽ dâng tới 2m, đồng bằng sông Cửu Long bị nhấn chìm hoàn toàn. Chủ động "tự cứu mình" phải là phương châm hành động.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, Chiến lược Quốc gia về BĐKH của Việt Nam, đang được Bộ TN&MT hoàn thành, cần chỉ rõ những hành động quyết liệt, linh hoạt để giảm thiểu mối nguy này.

"Quan điểm hành động ứng phó với BĐKH - nước biển dâng là phải khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ, căn cơ, có hệ thống, liên tục, lâu dài, xác định có trọng tâm trọng điểm. Trong cuộc chiến này, phải huy động sức mạnh nội lực là chính, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài", Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, giải pháp ứng phó phải rất linh hoạt, tùy thuộc vào vùng địa hình, dân cư, đặc điểm sản xuất… "Để ngăn nước biển dâng ta xây đê biển. Song dòng sông Tiền, sông Hậu mỗi chỗ mỗi khác. Có nơi thì đắp đê ngăn mặn song có nơi lại phải mở cống đưa nước mặn vào…".

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc cấp bách, phải làm ngay, chia từng giai đoạn triển khai là các hoạt động thích ứng với BĐKH. Đã đến lúc cần tính đến các kịch bản BĐKH ở mức cao, khi nhiệt độ toàn cầu tăng trên 2 độ C. Đi kèm là hệ thống bản đồ ngập lụt phủ trùm toàn quốc. "Việc này khó song nhất quyết phải làm cho được, huy động nguồn lực, chất xám cả chuyên gia trong và ngoài nước, bởi có được hệ thống bản đồ này mới điều chỉnh được hàng loạt các quy hoạch", Phó Thủ tướng nói.

Ông Trần Đức Lương, cố vấn của Thủ tướng về BĐKH, bổ sung: Cần có phương châm tích cực, kiên quyết bảo vệ các khu dân cư tập trung, hai đồng bằng Cửu Long và sông Hồng để đảm bảo an ninh lương thực…

 

* Thể chế hóa các hoạt động ứng phó với BĐKH

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên báo cáo kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, công cuộc ứng phó với BĐKH là lâu dài song các tác động của nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Bởi thế, cần lựa chọn các trọng điểm của từng ngành, địa phương, đề xuất dự án cấp bách, như ứng phó với thiên tai, hỗ trợ người dân vùng lũ xây nhà cao tầng, xây dựng các công trình chống ngập ở các thành phố lớn…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia, đề nghị các Bộ, ngành cần sớm có những đề xuất có tính khả thi cao, xác định các dự án ưu tiên, trọng tâm là các dự án không thể trì hoãn như xây dựng và nâng cấp đê sông, đê biển, kè xung yếu, các giải pháp bảo vệ an toàn hồ chứa, trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn, lồng ghép yếu tố BĐKH vào kế hoạch phát triển…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện đã có những dự án về hồ chứa, đường ven biển, đường cho cứu hộ cứu nạn, đê biển… nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Đây đều là những vấn đề cấp bách, cần bố trí nguồn vốn hoặc vận động tài trợ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần xây dựng quy trình, trình tự, thủ tục thống nhất đối với việc phê duyệt các dự án tài trợ quốc tế.

Ông Vũ Mão, cố vấn của Thủ tướng về BĐKH, cho rằng, cần đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về BĐKH để thống nhất hành động và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng. Đồng thời, cần xây dựng Luật BĐKH cũng như các quy định về ứng phó với BĐKH phải được thể chế hóa.

 

Ngày 17/02/2011
Theo báo Tài nguyên và Môi trường  
[ In trang ][ Xem & in ][ Gửi mail ][ Đầu trang ][ Trở lại ]
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI

Trụ sở chính: Số 41A đường Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Tell: 024.38370598, Fax: 024.38370597, Email: dhtnmt@hunre.edu.vn