TRANG TIN ĐƠN VỊ
  Đang truy cập: 32  
 
1 5 6 7 9 9 7 6
 
 
Nỗ lực ứng dụng năng lượng mặt trời

Nỗ lực ứng dụng năng lượng mặt trời
 

Vị trí địa lý đã ưu ái cho Việt Nam nguồn năng lượng tái tạo vô cùng lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Việt Nam nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, trong đó nhiều nhất phải kể đến TP.HCM, tiếp đến là các vùng Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai)… Tuy nhiên, để khai thác nguồn năng lượng này, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Những chuyển biến gần đây cho thấy, ứng dụng, khai thác năng lượng mặt trời đã có những bước tiến.

Khai thác lợi thế

TP.HCM có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển các dạng năng lượng mới, trong đó có năng lượng mặt trời. Theo ước tính, trung bình mỗi ngày TP.HCM nhận lượng bức xạ mặt trời là 27 tỷ MJ (tương đương với lượng điện cả nước sản xuất ra trong một quý), đáp ứng nhu cầu của người dân TP trong vòng 2 tháng…

Cụ thể nhất, vào tháng 9-2010, để cung cấp ánh sáng cho ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, UBND TP.HCM đã có quyết định thực hiện dự án đầu tư hệ thống điện mặt trời cho người dân đảo này. Sau hơn 30 năm chờ đợi, người dân Thiềng Liềng mới được hưởng ánh sáng từ những bóng đèn compact. Công trình pin mặt trời tại ấp Thiềng Liềng đảm bảo cung cấp điện cho gần 200 hộ dân và các cơ quan, đoàn thể đóng trên địa bàn như: trạm hải quan, trạm kiểm soát biên phòng, ban quản lý ấp… Đây là dự án do Tổng Công ty Điện lực TP.HCM làm chủ đầu tư với tổng số vốn gần 15 tỷ đồng. Theo thống kê của UBND xã Thạnh An, trung bình mỗi hệ thống pin mini lắp đặt tại mỗi hộ dân có thể sản xuất 2kWh/ngày, đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Tìm cách khai thác năng lượng mặt trời, cuối tháng 4-2009, nhà máy sản xuất tấm thu điện năng lượng mặt trời (solar panels) đầu tiên của Việt Nam do Công ty CP Năng lượng Mặt Trời Đỏ (RedSun) với 2 đối tác chính là Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC) và Công ty TNHH TM-KT Tân Kỷ Nguyên, đã chính thức làm lễ khánh thành và đưa vào sản xuất tại cụm công nghiệp Đức Hòa (Long An). RedSun là mô hình đơn vị KH-CN được hình thành nhờ cơ chế 115 (tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nghiên cứu ứng dụng KH-CN) của TP.HCM. Công trình cũng là kết quả của sự hợp tác giữa TP.HCM và vùng Rhône - Alpes (Pháp) với mục tiêu đặt nền tảng cho công nghệ pin mặt trời ở Việt Nam.

Mới đây nhất ngày 22-3, Tập đoàn First Solar của Mỹ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi, TP.HCM. Nhà máy có tổng vốn đầu tư giai đoạn ban đầu là 300 triệu USD với 4 dây chuyền sản xuất có công suất tương đương 250 MW/năm. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2012.

Vẫn chờ một cú hích

Không chỉ sự kiện người dân ấp Thiềng Liềng được sử dụng điện từ năng lượng mặt trời mới đánh dấu việc khai thác nguồn năng lượng “nóng bỏng” này mà từ những năm 1990, khi nhiều thôn xóm ngoại thành chưa có lưới điện quốc gia, Phân viện Vật lý TP.HCM đã triển khai các sản phẩm từ điện mặt trời. Tại một số huyện như Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, điện mặt trời được sử dụng khá nhiều trong một số nhà văn hóa, bệnh viện… Năm 1995, hơn 180 nhà dân và một số công trình công cộng tại buôn Chăm, xã Eahsol, huyện Eahleo tỉnh Đắc Lắc đã sử dụng điện mặt trời. Gần đây, dự án phát điện ghép giữa pin mặt trời và thủy điện nhỏ, công suất 125kW được lắp đặt tại xã Trang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai…

Tuy đã được triển khai ứng dụng không ít nhưng nhìn chung, sử dụng pin năng lượng mặt trời vẫn bó hẹp trong những phạm vi địa lý nhất định và thường được ứng dụng trong các dự án. Nguyên nhân là do giá thành của những tấm pin. Ngay cả sản phẩm First Solar, hiện giá thành mỗi tấm pin mặt trời khoảng 100 - 150USD/tấm, có diện tích 60x120cm. Mỗi tấm pin có thể sản xuất 80 - 85W điện/giờ, thời gian bảo hành của mỗi tấm pin là 25 năm. Do giá khá cao so với nhu cầu sử dụng của người Việt Nam nên hầu hết sản phẩm được sản xuất giai đoạn đầu được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, Tập đoàn First Solar cũng đang có chương trình tập trung vào cắt giảm chi phí để người Việt Nam có thể sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng trong tương lai.

Rõ ràng, những nỗ lực để có những tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời với giá rẻ đang được thúc đẩy, đã khẳng định dự án nhà máy pin mặt trời có ý nghĩa lớn đối với ngành năng lượng nội địa vì góp phần bảo vệ môi trường và phục vụ nhu cầu thắp sáng cho các địa phương mà lưới điện chưa thể đến được. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời đã được triển khai từ khá lâu, song đến nay, những sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng này vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi nên rất cần một cú hích trong lĩnh vực này.

Ngày 30/03/2011
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường  
[ In trang ][ Xem & in ][ Gửi mail ][ Đầu trang ][ Trở lại ]
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI

Trụ sở chính: Số 41A đường Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Tell: 024.38370598, Fax: 024.38370597, Email: dhtnmt@hunre.edu.vn