TRANG TIN ĐƠN VỊ
  Đang truy cập: 23  
 
1 5 6 7 9 9 7 6
 
 
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Tiếp tục hoàn thiện sớm trình Chính phủ

 Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Tiếp tục hoàn thiện sớm trình Chính phủ

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại buổi làm việc

Ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đã làm việc với Cục Quản lý Tài nguyên nước về dự thảo lần thứ 2 Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Tài nguyên nước (TNN) năm 1998 đang được xây dựng, nhằm bảo vệ TNN có hiệu quả; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra được tốt hơn; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về TNN trong tình hình mới.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) khắc phục được những tồn tại của Luật Tài nguyên nước năm 1998 và bổ sung thêm quy định mới cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Một trong các nhóm vấn đề mới sửa đổi lần này là kinh tế hóa lĩnh vực tài nguyên nước đã thể hiện được cái “hồn” chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường của Bộ TN&MT. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có các quy định mới nhằm tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, sử dụng các loại thuế, phí, lệ phí và các nguồn thu khác phục vụ quản lý, bảo vệ có hiệu quả TNN.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, Dự thảo lần 2 Luật TNN sửa đổi có 104 điều thể hiện trong 11 Chương. Trong đó có 66 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và 38 điều được sửa đổi, bổ sung so với Luật TNN năm 1998.

Dự thảo đã bỏ 3 chương của Luật TNN năm 1998, gồm: Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước; khen thưởng và xử lý vi phạm. Đồng thời, điều chỉnh, kết cấu lại để bổ sung thêm 4 chương mới quy định về Chiến lược, Quy hoạch TNN; điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá TNN và thông tin, dữ liệu về TNN; Cấp phép về TNN và Tài chính về TNN.

Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, dự thảo Luật TNN sửa đổi liên quan đến nhiều ngành, liên quan đến kinh tế nước, an ninh nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước. Phạm vi điều chỉnh liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường 2005 ở khía cạnh bảo vệ môi trường nước. Vì thế, cần tách bạch vấn đề bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước, không để khía cạnh luật bảo vệ môi trường xâm nhập khía cạnh tài nguyên nước.

Toàn cảnh buổi làm việc
Cục trưởng Cục QLTNN Hoàng Văn Bảy phát biểu tại buổi làm việc

 

Liên quan đến vấn đề thành lập Ủy ban Lưu vực sông, ông Lê Kế Sơn cho biết: Cả nước hiện có Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn lúng túng về khách quan và chủ quan. Vì thế, cần xem xét và cân nhắc kỹ có nên thành lập Ủy ban Lưu vực sông không? Giữa các cơ quan trong Bộ TN&MT nên có sự liên kết, phối hợp, tránh chồng chéo.

Theo ông Nguyễn Văn Tuệ (Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia), nên mở rộng thêm đối tượng cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước, bởi lẽ, hoạt động tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở việc khai thác, khoan, thăm dò mà còn có cả đo đạc, điều tra tài nguyên nước… Ông Nguyễn Văn Tuệ cũng cho rằng, không nên coi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, mưa đá, mưa axit là tác hại của tài nguyên nước.

Ông Phạm Ngọc Sơn (Vụ trưởng Vụ Pháp chế) cho biết, đây là một bộ luật phức tạp về mặt lô gic và kết cấu. Trong quá trình xây dựng, có nhiều vấn đề còn lúng túng như: vấn đề quy hoạch tài nguyên nước có nên quản lý theo lưu vực sông hay không. Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều phương án: quy hoạch của cả nước theo lưu vực sông thì quy hoạch của tỉnh phục vụ gì, phân cấp cho tỉnh có phân cấp quản lý không và liên quan đến quy hoạch chung như thế nào?

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý nước dưới đất cũng hết sức phức tạp và còn nhiều tranh cãi. Theo quy định hiện nay, đối với những công trình khai thác nước ngầm dưới ngưỡng 20 m3/ngày đêm không cần phải xin cấp phép thì phải tính như thế nào? Trong khi đó, những đối tượng này rất cần phải quản lý chặt vì hàng ngày có hàng nghìn công trình khoan giếng như thế không quản lý được.

Ngoài ra, điều hòa nguồn nước cũng là vấn đề phức tạp. Theo ông Phạm Ngọc Sơn, cần làm rõ phạm vi trách nhiệm và quyền hạn giữa cấp Trung ương và địa phương.

“Vấn đề kinh tế hóa ngành tài nguyên nước cũng nên khoanh lại một vài nhóm. Cần quản lý chặt hơn, đưa các công cụ tài chính, kinh tế để bảo vệ tài nguyên nước và sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần chấm dứt tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan. Nên chăng để quản lý được chỉ cho các công trình lớn được phép khai thác, chấm dứt tình trạng nhà nhà khai thác”, ông Phạm Ngọc Sơn nói.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đánh giá, dự thảo lần 2 Luật sửa đổi Tài nguyên nước đã đề cập được mức độ nông, sâu khác nhau; đã cơ bản đưa được các vấn đề quản lý tài nguyên nước vào trong Luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, trong luật vẫn thiếu “hồn” của người làm luật, nhiều điều khoản vẫn nặng về đường lối, chính sách. Ban soạn thảo cần xem lại tính bất hợp lý giữa các chương, điều và sắp xếp lại trật tự các chương điều để có kết cấu logic hơn.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo, tới đây Cục Quản lý Tài nguyên nước cần tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, mời các chuyên gia đầu ngành về tài nguyên nước, đại diện Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên nước tham gia đóng góp ý kiến để sớm hoàn thiện Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Ngày 18/02/2011
Theo báo Tài nguyên và Môi trường  
[ In trang ][ Xem & in ][ Gửi mail ][ Đầu trang ][ Trở lại ]
 
Ý kiến của bạn
Họ và tên *
Điện thoại Email :
Địa chỉ *
Nội dung *

 

 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HÀ NỘI

Trụ sở chính: Số 41A đường Phú Diễn, Q. Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội

Tell: 024.38370598, Fax: 024.38370597, Email: dhtnmt@hunre.edu.vn